Rủi Ro Khi Làm Việc Trong Không Gian Hạn Chế Và Biện Pháp Khắc Phục

Làm việc trong không gian hạn chế, nơi không gian chật hẹp và môi trường làm việc có thể thiếu thốn, luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro đến người lao động như thiếu oxy, tai nạn do không gian hẹp.

Cùng An Toàn Việt tìm hiểu về không gian hạn chế, các rủi ro và các biện pháp an toàn khi làm việc trong không gian hẹp qua bài viết sau đây.

Không gian hạn chế là gì?

Không gian hạn chế khó khăn trong di chuyển

Không gian hạn chế hay còn gọi là không gian hẹp, đây là những khu vực làm việc không được thiết kế để con người ở lâu dài, nhưng đôi khi cần phải vào để thực hiện các công việc như sửa chữa, bảo trì hoặc kiểm tra. Những nơi này thường có lối vào và ra khó khăn, không khí thông gió kém và có thể tiềm ẩn nguy hiểm như thiếu oxy, khí độc, nhiệt độ cao, nguy cơ ngập nước. 

Không gian hạn chế có thể ở dưới hoặc trên mặt đất. Nó có thể được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi làm việc, ví dụ điển hình của không gian hạn chế bao gồm bồn chứa, hầm, giếng, ống cống, hố ga, lò hơi, hầm tàu, khoang máy, hầm gió, đường ống thông gió, khu vực dưới sàn nhà.

Rủi ro khi làm việc trong không gian hạn chế

Làm việc trong không gian hạn chế có nhiều rủi ro

Làm việc trong không gian hạn chế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm nếu không được chuẩn bị và bảo vệ đúng cách. Một số rủi ro phổ biến bao gồm:

Đầu tiên, nguy hiểm nhất là về vấn đề môi trường thiếu oxy. Không gian hạn chế thường có lượng oxy thấp do không khí không lưu thông, gây ngạt thở hoặc mất ý thức. Bên cạnh đó, các chất khí như CO, H2S hoặc hơi hóa chất độc hại có thể tích tụ, dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng.

Bên trong không gian hạn chế các khu vực hầm thường có các khí, hơi xăng dầu hoặc bụi cháy mang lại nguy cơ cháy nổ rất cao. Thậm chí có thể giữ nhiệt hoặc làm tăng nhiệt độ, gây căng thẳng nhiệt cho người làm việc.

Diện tích chật hẹp và tối tăm trong không gian hạn chế dễ dẫn đến các tai nạn trượt ngã, bị mắc kẹt. Ngoài ra, các khu vực như hầm, cống còn tiềm ẩn nguy cơ ngập nước, vùi lấp, lối thoát hiểm còn rất nhỏ. Đối với các tình huống khẩn cấp sẽ nếu không thoát ra kịp sẽ cực kì nguy hiểm cho người lao động.

Quy định an toàn về làm việc trong không gian hạn chế

Theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH, làm việc trong không gian hạn chế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn như sau:

Đầu tiên, không khí trong không gian hạn chế phải đảm bảo lượng oxy nằm trong khoảng 19,5% - 23,5%, nếu oxy thấp hoặc cao hơn ngưỡng này thì người lao động dễ bị ngạt thở. Đối với khí dễ cháy dưới 10% mức có thể gây nổ, giảm nguy cơ nổ mất ngờ và các chất độc hại không vượt ngưỡng an toàn. 

Người lao động cần được huấn luyện kỹ lưỡng về các nguy hiểm tiềm ẩn, cách kiểm soát rủi ro, sử dụng thiết bị bảo hộ và quy trình xử lý sự cố. Đồng thời, các đội ứng cứu khẩn cấp phải được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị cứu hộ để xử lý nhanh chóng các tình huống khẩn cấp. 

Việc tuân thủ các quy định này không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả công việc trong không gian hạn chế.

Các việc cần làm khi bước vào không gian hạn chế

Cần đo chất lượng không khí trước khi làm việc

Trước khi vào không gian hạn chế, bước đầu tiên là phải đánh giá các rủi ro tiềm ẩn như thiếu oxy, khí độc hoặc nguy cơ cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người lao động. Người lao động cần xin giấy phép làm việc hợp lệ, trong đó phải nêu rõ nhiệm vụ, nguy cơ và các biện pháp bảo vệ cụ thể. 

Đồng thời, cần kiểm tra chất lượng không khí bên trong không gian hạn chế trước khi đi vào. Cần cẩn thận để đảm bảo rằng không khí được kiểm tra trong toàn bộ không gian hạn chế từ bên này sang bên kia và từ trên xuống dưới. Yêu cầu hàm lượng oxy nằm trong giới hạn từ 19,5% đến 23,5%, không quá ít cũng không quá nhiều. không có khí độc, dễ cháy và thiết bị thông gió hoạt động tốt.

Tiếp theo, người lao động cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân như mặt nạ phòng độc, dây đai an toàn, quần áo bảo hộ và đèn chiếu sáng để bảo vệ bản thân trong suốt quá trình làm việc. Không gian cần được thông gió tốt để đảm bảo cung cấp đủ không khí sạch và loại bỏ khí độc.

Ngoài ra, chỉ những người đã được đào tạo về an toàn lao động trong không gian hẹp mới được phép vào làm việc. Cần có đội ứng cứu khẩn cấp sẵn sàng để xử lý tình huống nguy hiểm nếu xảy ra sự cố.

Các biện pháp an toàn khi làm việc trong không gian hạn chế

Ứng phó kịp thời khi phát hiện các vấn đề nguy hiểm

Trước khi vào không gian hạn chế bạn đã chuẩn bị kỹ cưỡng, vậy khi bước vào làm việc thì người lao động cũng cần thực hiện một số biện pháp an toàn như sau:

Trước hết, người lao động phải tuân thủ quy trình làm việc và luôn thực hiện các bước an toàn đã được đào tạo. Cần giám sát liên tục và phát hiện các thay đổi về không khí, cũng như các nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời, người lao động phải duy trì liên lạc với người giám sát bên ngoài để đảm bảo hỗ trợ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. 

Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân như mặt nạ phòng độc, dây đai an toàn và đèn chiếu sáng. Mặt nạ phòng độc hỗ trợ người lao động khỏi các khí độc hại, hơi nguy hiểm trong không gian làm việc. Dây đai an toàn giữ cho người lao động luôn được cố định, giảm thiểu nguy cơ té ngã và được kéo lên kịp thời nếu có nguy hiểm xảy ra.

Trong không gian hẹp, người lao động không nên làm việc một mình, nên đi cùng nhau và làm việc theo nhóm để dễ hỗ trợ hơn. Các biển cảnh báo cũng phải được đặt xung quanh khu vực làm việc để ngăn người không có nhiệm vụ tiếp cận.

Qua bài viết, An Toàn Việt hy vọng bạn đã hiểu hơn về không gian hạn chế, những rủi ro mà nó mang lại, cũng như tuân thủ các biện pháp an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.

CÔNG TY TNHH BẢO HỘ LAO ĐỘNG AN TOÀN VIỆT
Địa chỉ : 340 Hà Huy Giáp, Khu Phố 3B, P. Thạnh Lộc, Quận 12, TP.HCM
Điện thoại: 028 2245 7878 Hotline: 0905 906 186
Email: info@antoanviet.vn Website: antoanviet.vn

Đang xem: Rủi Ro Khi Làm Việc Trong Không Gian Hạn Chế Và Biện Pháp Khắc Phục